Tin tức

Hà Tĩnh – nơi cơn bão số 10 quét qua

Hà Tĩnh – nơi cơn bão số 10 quét qua

Sau khi cơn bão số 10 quét qua mấy huyện của tỉnh Hà Tĩnh giáp với tỉnh Quảng Bình, cuối tháng 9/2017, Nhóm TTNối vòng tay lớn của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm kết nối chặt chẽ với Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, tổ chức đến thăm và trao tiền hỗ trợ tặng 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở tỉnh Hà Tĩnh (5 triệu đồng/hoàn cảnh; tổng số tiền là 50 triệu đồng), chia sẻ nỗi mất mát đau thương với người dân, nhất là các hộ nghèo;thể hiện tình cảm “lá lành đùm lá rách”, kịp thời giúp nhau trong hoạn nạn của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm.
Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong mấy năm gần đây; sức gió khi tâm bão quét qua vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình mạnh cấp 13 – 14. Các tỉnh kế bên như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều bị ảnh hưởng nặng nề; toàn bộ cây cối, hoa màu, vườn tược… đều bị ảnh hưởng. Huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất; gần như 100% nhà cấp 4, các công trình lợp mái ngói đều bị bão làm vỡ, các nhà lợp mái tôn thì đều bị bay tốc mái; hàng trăm cây cổ thụ, hệ thống cột điện bị gẫy đổ; các cánh rừng cây của bà con trồng đều bị gió bão quật đổ rạp, cả rừng cây bị bão vần vũ vặn gãy, bật gốc… nên sau bão hời tiết nắng oi làm cây chết khô cong, vàng úa cả cánh rừng như sau một trận hỏa hoạn. (ảnh)

10 gia đình ở huyện Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà mà chúng tôi đến đều có hoàn cảnh thật đặc biệt khó khăn. Trong 10 gia đình đó thì có đến 5 gia đình có mẹ bị tâm thần sinh ra 3, 4 đứa con không có cha; các cháu nhỏ đều phải nhờ cậy ông bà, cậu, dì chăm nuôi, trong khi ông bà không có lương hưu, làm ruộng thu nhập bấp bênh; cậu, dì thì đều là hộ nghèo, kinh tế không ổn định. Gia đình cháu Trần Đình Hiếu (sinh năm 2009) ở xóm Văn Cử, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc; cháu đang học lớp 4 trường Tiểu học Xuân Lộc; mẹ Hiếu bị tâm thần hay đi lang thang, sinh ra 3 đứa con không có cha; ông ngoại Hiếu phải nuôi đứa con gái tâm thần và 3 cháu ngoại “bất đắc dĩ”, còn bà ngoại đã mất; ông ngoại cũng không được minh mẫn; trong nhà ông ngoại cháu Hiếu trống trơn, ngoài “tủ thờ” xây bằng xi măng (ảnh), vì vật dụng gì cũng bị mẹ Hiếu bẻ gãy ném hết khi lên cơn. Chúng tôi đến trao tiền của Công ty hỗ trợ, cố tìm một mặt bàn hay mặt ghế để em Hiếu ký nhận mà cũng không thấy ? đành phải lấy yên xe máy (của nhà hàng xóm sang chơi), làm mặt bàn cho cháu Hiếu ký nhận tiền hỗ trợ (ảnh).

Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Xăm (sinh năm 1942) ở thôn 7, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên thương tâm hơn. Chồng bà mất sớm, bà nuôi con gái bị bệnh tâm thần, con gái bà sinh ra 3 đứa con; hiện bà Xăm phải nuôi con gái và 2 cháu ngoại; bà làm ruộng nên cũng không có thu nhập gì; bà thường xuyên phải nhốt con gái (sinh năm 1976) trong gian nhà nhỏ, ẩm thấp, tối tăm, nó không chịu mặc quần áo, lúc nào cũng trần truồng vì mặc sẽ xé ngay, suốt ngày nó la hét, cười nói vô hồn ? Nhưng nếu không nhốt con thì bà lại lo sợ con gái bà sinh thêm cháu, lại trút gánh nặng lên thân hình gầy yếu, nhỏ thó, đen nhẻm của bà. Nhà của bà cũng như nhà cháu Hiếu, chẳng có bàn ghế để ngồi, Nhóm TT Nối vòng tay lớn phải trao tiền hỗ trợ cho bà Xăm ở ngoài sân, kê quyển sổ tay để bà ký nhận tiền hỗ trợ. Từ lúc chúng tôi đến nhà cho đến lúc chúng tôi chia tay, bà chẳng nói câu nào, chỉ khóc. Nước mắt người mẹ, người bà già yếu tuôn rơi mãi trên gò má nhăn nheo, cả đời chịu đựng nhiều đau đớn đến với thân phận bà, con và cháu của bà (ảnh).

Trường hợp mà chúng tôi nán lại lâu nhất là gia đình chị Tô Thị Dục (sinh năm 1971) ở thôn Phú Trung, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh. Chồng chị Dục mất mấy năm nay, chị Dục bị tâm thần đi lang thang; trong nhà chẳng có gì ngoài chiếc giường ọp ẹp làm nơi học, nơi ăn, nơi ngủ của hai đứa con chị Dục, cháu gái đang học lớp 4, cháu trai học lớp 3, tại trường Tiểu học Phú Trung. Tất cả thành viên trong đoàn đều không tin được là hai cháu tự chăm nhau ăn ngủ và đi học hằng ngày. Cũng may có thày giáo Hiệu trưởng nhà trường biết được hoàn cảnh hai cháu, luôn quan tâm, hỗ trợ sách vở và làm các thủ tục để hai cháu được miễn tất cả tiền học phí. Thày giáo đang vận động họ hàng của hai cháu nhận nuôi các cháu, thày giáo nói “Nếu không ai nhận nuôi thì các thày cô giáo trong trường sẽ phân công nhau nuôi dạy hai cháu”. Chính vì chưa có ai đứng ra nhận nuôi các cháu nên chúng tôi phải bàn bạc với nhau xem nên gửi số tiền 5 triệu đồng do Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm hỗ trợ cho người nào giữ hộ các cháu ? Cuối cùng, cả đoàn quyết định gửi chị Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kỳ Phú giữ hộ số tiền 5 triệu đồng cho đến khi các đoàn thể ở địa phương tổ chức cuộc họp với họ hàng các cháu về việc người đứng ra nhận chăm nuôi hai cháu. (ảnh)

Có 2 trường hợp, khi lên danh sách để hỗ trợ thì vẫn còn sống, nhưng khi chúng tôi đến tận nhà thăm và trao tiền hỗ trợ thì các chị đã mất. Đó là chị: Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1970, ở xóm Nam Toàn, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc; chị là phụ nữ đơn thân, sinh một cháu trai không có cha; hai mẹ con dựng tạm túp lều ở góc vườn của em trai để ở; chị bị ung thư vú mới mất tháng 8/2017; con trai của chị Thanh đang học lớp 10, tên cháu là Giang; hiện cháu Giang đang ở cùng gia đình em trai chị Thanh. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Lan (mất vì ung thư tháng 5/2017), chồng chị Lan cũng đã mất mất từ 5 năm nay, hai cháu Long (16 tuổi) và cháu Trang (6 tuổi) ở với bà ngoại đã 80 tuổi. Chúng tôi thăm hỏi, động viên cháu Long sử dụng số tiền Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm hỗ trợ (5 triệu đồng) sao cho hiệu quả nhất, như để đi học nghề, tìm việc làm ổn định nuôi em gái nhỏ và bà ngoại già yếu. (ảnh)

Ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh còn nhiều hoàn cảnh thật thương tâm. Trường hợp chị Nguyễn Thị Châu, sinh năm 1982, ở thôn Mỹ Liên, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh; chồng đã mất vì bệnh, chị Châu tần tảo lao động kiến tiền nuôi 2 con nhỏ, không may chị bị cây đổ đè lên người chấn thương cột sống, liệt 2 chân. Ngôi nhà 3 mẹ con chị ở cũng chẳng khác gì mấy gia đình mà Nhóm TT Nối vòng tay lớn đã đến thăm. Cũng chẳng có bàn ghế cho khách ngồi, tất cả phải đứng ở ngoài sân; có khác chăng là ở đây tình làng nghĩa xóm dường như sâu đậm hơn. Nghe tin có đoàn từ thiện đến thăm mẹ con chị Châu, lãnh đạo chính quyền địa phương và bà con hàng xóm kéo đến để cảm ơn tấm lòng hảo tâm của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm tận ngoài Hà Nội. (ảnh)


Hoàn cảnh của bà Võ Thị Xuân, sinh năm 1955, ở thôn Nam Hà, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên; lam lũ, vất vả thân già gày gò ốm yếu mà ngày ngày vẫn phải kiếm sống để nuôi ông chồng đau ốm nằm liệt giường và đứa cháu ngoại mồ côi cả bố lẫn mẹ, ăn học; bà dường như quá xúc động với món quà lớn mà bà không thể ngờ tới, của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm hỗ trợ gia đình bà, bàn tay của bà luôn đưa lên để lau dòng nước mắt cứ tuôn chảy, bà chẳng nói được câu nào (ảnh). Hoàn cảnh gia đình chị Hoàng Thị Nhất ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh; chị Trần Thị Nga ở thôn Hải Hà, xã Kỳ Hà, Thị xã Kỳ Anh; chị Phạm Thị Hoạt ở thôn Tân Thuận, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên giống nhau ở nỗi đau thương, chồng mất, nuôi 4 đứa con, mẹ chồng già và em chồng bị bệnh tâm thần…

Nghĩa cử và việc làm thiết thực của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm đã kịp thời giúp đỡ, chia sẻ làm ấm lòng người dân nghèo nơi cơn bão dữ vừa quét qua, góp phần giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Ảnh: Chủ tịch UBND xã, Bí thư xã, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kỳ Văn (bên trái); Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh, Phó Chủ tich Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh (bên phải) chứng kiến việc làm nhân đạo, từ thiện của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm đối với 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Châu ở thôn Mỹ Liên.Nhóm TT Nối vòng tay lớn.

Related Posts