Tin tức

Về nơi dân nghèo vùng lũ đang chờ

Về nơi dân nghèo vùng lũ đang chờ

Sau cơn bão số 12 đổ bộ vào miền Trung (đầu tháng 11/2017), Nhóm TT Nối vòng tay lớn của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm nhận được cuộc điện thoại, giọng như đang tủi thân: “Chị ơi, bao giờ thì các chị mới vào đến vùng lũ Thanh Hóa chúng em ?”… Vì thời gian đó có nhiều cơn bão đổ liên tiếp vào các tỉnh miền núi phía Bắc và “khúc ruột” miền Trung, tỉnh nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão đó, nên Nhóm TT Nối vòng tay lớn cũng đang phân vân, cân nhắc không biết nên đi hỗ trợ đồng bào nghèo ở tỉnh nào trước ? Nhưng sau khi nhận được cuộc điện thoại đó, Nhóm TT quyết định hướng về đồng bào nghèo ở vũng lũ tỉnh Thanh Hóa.
Nhóm TT khẩn trương liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, nhờ họ cho biết cụ thể các địa chỉ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các thôn, xóm vùng trũng bị ngập lũ. Chọn lọc, rà xoát kỹ, rồi xin ý kiến Lãnh đạo Công ty, được sự đồng ý của Lãnh đạo là Nhóm TT Nối vòng tay lớn triển khai ngay chuyến đi về 6 huyện vùng trũng khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa.
Chị Lương Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh và chị Tạ Thị Hồng Nhung, Phó Ban Gia đình- Xã hội đưa Nhóm TT đến thăm và trao tận tay số tiền Công ty hỗ trợ (5 triệu đồng/hộ) cho 9 gia đình đặc biệt khó khăn ở 6 huyện. Mỗi huyện cách nhau khoảng chừng gần 100km; khi di chuyển qua địa phận huyện, xã nào, các chị cán bộ phụ nữ cũng giới thiệu cho Nhóm TT biết được tình hình lũ lụt ở địa phương: Gần như nơi nào nước lũ cũng ngập trắng đồng, nhiều nơi nước lũ dâng cao đến mái nhà, làm hư hỏng hết hoa màu của bà con; phá hỏng hết các con đường giao thông liên thôn liên xã… Đoàn đi qua con đường nào cũng gập ghềnh ổ trâu, ổ voi, nhiều cung đường phải đi vòng xa đến chục km, khiến “lịch trình” của đoàn bị kéo dài, không theo đúng như kế hoạch đã đề ra… Huyện ngập nặng nhất là Yên Định, vì  là  “hàng xóm” của huyện Thọ Xuân, do mưa lớn kéo dài làm đê của Thọ Xuân bị vỡ, nước lũ chảy dồn hết về Yên Định…Huyện Yên Định cách TP Thanh Hóa gần 100km, đoàn đến thăm 2 hộ đặc biệt nghèo ở xã Yên Giang (nơi có bức ảnh “lịch sử” ghi lại cảnh chủ trang trại nuôi lợn bơi trong biển nước lũ cùng đàn lợn) và xã Hải Định, hai xã ngập nặng nhất huyện. Cả hai hoàn cảnh đều thật thương. “Túp lều” của 4 mẹ con chị Phạm Thị Lành (ở Thôn 6, xã Yên Giang) dựng tạm bợ trên mảnh vườn của người bà con; chị là phụ nữ đơn thân, một mình nuôi 3 đứa con nhỏ, trong đó một cháu 6 tuổi bị bệnh động kinh (ảnh). Còn chị Phạm Thị Hường (ở Thôn Sét, xã Định Hải) cũng là phụ nữ đơn thân, nhưng lại còn bị khuyết tật bẩm sinh, đang nuôi 2 con nhỏ (ảnh), không có nhà ở, 3 mẹ con phải ở nhờ nhà của gia đình người anh trai. Các chị đều là những phụ nữ bệnh tật, đau yếu, đã không có khả năng chăm sóc bản thân, lại còn phải chăm nuôi các con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, bị bệnh.

Mẹ con chị Lành (áo đỏ); mẹ con chị Hường (bế con nhỏ) nhận tiền Công ty hỗ trợ với sự chứng kiến
của đại diện chính quyền địa phương và cán bộ phụ nữ các cấp.

 Hoàn cảnh mẹ con chị Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1978, cũng không hơn gì. Mẹ con chị đang ở nhờ nhà của người em chồng (số 312, đường Dã Tượng, Khu phố 3, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa). Chị Lợi bị liệt do tai nạn, nay phải gắn bó với chiếc xe lăn; con trai đầu của chị bị khuyết tật bẩm sinh, khèo chân tay, đi lại khó khăn; con gái út đang học lớp 6, nhưng hằng ngày các cháu phải đi mò cua bắt ốc ở con sông nhỏ trước nhà; đưa cho mẹ đang ngồi chờ trên bờ để đi xe lăn ra chợ bán lấy tiền trang trải cuộc sống tằn tiện của gia đình.

Chị Lợi (ngồi xe lăn) nhận tiền Công ty hỗ trợ, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và cán bộ Hội LHPN tỉnh.
 Rời nhà chị Lợi, đến thăm 3 cháu nhỏ mồ côi bố mẹ (ở phố Tân An 2, phường Ngọc Tạo, TP Thanh Hóa); cháu nhỏ nhất là Đoàn Mỹ Tâm 6 tuổi đang học lớp 1, cháu trai Đoàn Đức Bình 12 tuổi (ảnh) đang học lớp 8, còn anh cả Đoàn Đức Bảo không học tiếp nữa mà đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai em ăn học. Chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, tính gửi các cháu vào trại trẻ mồ côi, nhưng có bà dì Vũ Thị Hoa đứng ra nhận chăm sóc các cháu, mặc dù hoàn cảnh gia đình bà Hoa cũng rất khó khăn. Đến tận nhà thăm và gửi tiền Công ty hỗ trợ các cháu cho bà Hoa, chúng tôi cũng yên tâm phần nào, dù sao các cháu cũng được bà dì hằng ngày gần gũi, chăm nuôi…

Bà Hoa và cháu BÌnh (thứ 2, 3 từ phải sang) nhận tiền Công ty hỗ trợ có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các đoàn thể.

 Đến huyện Như Thanh thăm và trao tiền Công ty hỗ trợ cho bà Nguyễn Thị Ngân, sinh năm 1954, ở thôn Đồi Dẻ, xã Hải Vân; bà đã già yếu nhưng vẫn gắng gượng nuôi cháu ngoại mồ côi cả bố lẫn mẹ. Thăm và trao tiền Công ty hỗ trợ cho hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Na, sinh năm 1968, ở thôn Thái Sơn, xã Thăng Bình, huyện Nông Cống; chị bị ung thư vú giai đoạn 2, chồng mất đã lâu, chị vừa chống chọi bệnh tật, vừa nuôi 2 đứa con, số tiền 5 triệu đồng Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm hỗ trợ chị kịp thời trang trải kinh phí thuốc men chữa bạo bệnh. Thăm gia đình chị Mai Thị Thắm, sinh năm 1971, ở thôn 8, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương; chị bị bệnh tim nặng, dễ xúc động, nên từ khi nghe tin có đoàn từ thiện đến thăm, trao tiền hỗ trợ là mừng lắm, cứ nức nở khóc, chẳng nói được câu nào; tuy vẫn còn có chồng bên cạnh, nhưng chồng bị lao xương, mất sức lao động, hằng ngày chị vẫn phải lao động, nuôi ăn cho cả chồng và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học; ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo của gia đình chẳng bao giờ chị nghĩ đến việc phải sửa chữa, vì ăn con không đủ, tiều đâu mà sửa nhà…


Bà Ngân (đang ký nhận tiền hỗ trợ); chị Na (mặc áo đỏ); chị Thắm (quàng khăn len)
nhận tiền Công ty hỗ trợ, có sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương và cán bộ Hội phụ nữ các cấp.

Huyện Thiệu Hóa là điểm cuối cùng đoàn đến thăm và trao tiền hỗ trợ của Công ty. Mặc dù đoàn “hành quân” rất khẩn trương, nhưng trời mùa đông nhanh tối, mới 18 giờ mà bóng tối đã bao trùm cả đường làng; bóng đèn thắp sáng trong các gia đình cũng chỉ lờ mờ, hắt ra sân những tia sáng vàng vọt, yếu ớt. Cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ lưu lại được những hình ảnh bị “thiếu sáng”. Đoàn đến thăm và trao tiền Công ty hỗ trợ cho đại diện gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, là bố mẹ đẻ của chị (ảnh). Chúng tôi không thể trao tiền hỗ trợ cho chị Phượng, vì chị bị thần kinh nặng, cứ ngồi ngoài cổng nói một mình, người nhà lôi kéo mãi chị mới vào; thấy đông người đến nên chị sợ ? Cứ chỉ tay vào mặt mọi người gào lên, như không muốn gặp ai ?… Bố mẹ chị Phượng đã già yếu nhưng phải nuôi các cháu ngoại và thường xuyên chịu đựng tính khí thất thường của đứa con gái bị bệnh thần kinh. Hoàn cảnh bà Phùng Thị Sinh, sinh năm 1953, ở Tiểu khu 10, Thị trấn Vạn Hà, cũng thương tâm; chồng bà mất đã lâu, bản thân bà bị tai biến, sức khỏe yếu mà một mình bà phải nuôi mấy đứa con, trong đó có một cháu trai 17 tuổi chẳng biết gì, hằng ngày bà Sinh phải chăm cho con từng miếng cơm, ngụm nước…(ảnh).


Bố mẹ chị Phượng (thứ 2,3 từ phải sang); bà Sinh (thứ 3 từ trái sang) nhận tiền Công ty hỗ trợ có sự chứng kiến của cán bộ phụ nữ các cấp. Bà Sinh và con trai 17 tuổi bị bại não (bên phải).
 Đến tận nhà thăm và trao tiền hỗ trợ của Công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm tặng 9 gia đình nghèo ở 6 huyện của tỉnh Thanh Hóa, tại gia đình nào chúng tôi cũng gặp đại diện chính quyền địa phương, Bí thư xã, Chủ tịch UBND xã, Trưởng thôn và đông nhất là đội ngũ cán bộ phụ nữ huyện, xã, thôn, xóm… Họ có mặt để chứng kiến hành động nghĩa tình và thay mặt các gia đình cảm ơn tấm lòng thơm thảo, kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân nghèo vũng lũ của Công ty TNHH THiết bị Minh Tâm.
Ảnh: Đại diện Nhóm TT (bên phải) trao tiền Công ty TNHH THiết bị Minh Tâm hỗ trợ cho mẹ con chị Phạm Thị Lành.
Nhóm TT Nối vòng tay lớn.

Related Posts