Cơn bão Yagi chỉ vừa kịp tan thì một trận lũ khác lại kéo về, gây thiệt hại về người và của cho hàng loạt hộ dân tại khu vực đồng bằng và miền núi các tỉnh miền Bắc. Cứ thế, thảm kịch do bão lũ và sạt lở cứ nối tiếp nhau không ngừng, và Thái Nguyên đã trở thành một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt thiên tai vừa qua.
Không khỏi xúc động trước hình ảnh người dân, đồng bào tại tỉnh đang ngày ngày nỗ lực, cố gắng khắc phục hậu quả, toàn thể CBNV của Mitalab tại mọi miền Tổ quốc đã lan toả tình yêu thương, cùng nhau đóng góp hiện kim và trao tận tay những phần quà thiết yếu đến 13 hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề tại huyện Định Hoá, huyện Phú Lương và Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. 7/13 hộ gia đình mà đoàn đến thăm là dân tộc Tày, những người đồng bào hiền lành chất phác thật thà.
Vượt hàng trăm cây số, ngày 28/9/2024 vừa qua, đại diện Công ty cùng Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đã có mặt tại nơi cư trú của các hộ nghèo chịu nhiều ảnh hưởng bởi bão lũ để thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần, góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế và nỗi lo lắng cho gia đình.
Đứng trước ngôi nhà lán tiêu điều dưới chân hồ chứa nước, nơi vừa phải hứng chịu cơn “thịnh nộ” của trận sạt lở vừa qua, chúng tôi không khỏi xúc động khi nhìn thấy khung cảnh tiêu điều, lở ao, chuồng trại đều trôi đi mất của gia đình chị Nguyễn Thị Luyến.
Những thiệt hại cho bão lũ gây ra đã tàn phá cả đoạn đường đi đến xã Tân Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, gây khó khăn cho Đoàn thiện nguyện trong việc tiếp cận, thăm hỏi 2 hộ gia đình của chị Hoàng Thị Sửu và anh Phương Văn Mến.
Hành trình chia sẻ yêu thương của Đoàn lại tiếp tục di chuyển đến huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, lòng chúng tôi như thắt lại khi chứng kiến sự đổ nát, tan hoang của nhiều hộ gia đình.
Tại đây, Đoàn lại tiếp tục trao tặng những phần quà yêu thương đến từ tấm lòng của các mạnh thường quân công ty cho chị Hà Thị Quyến (xóm Na Dâu. xã Phủ Lý) – hộ gia đình bị lũ cuốn trôi toàn bộ vách tôn, nhà ngập nặng, đồ đạc bị cuốn trôi và hư hỏng nặng nề.
Đoàn cũng đã an ủi, động viên những gia đình có hoàn cảnh như sau vượt qua khó khăn trong trận thiên tai vừa rồi:
Chị Hoàng Thị Tình (Xóm Na Dâu, xã Phủ Lý): Có nhà xây theo chế độ nhà hỗ trợ Thanh niên xung phong, mái lớp proximang. Lũ về đã cuốn trôi đồ đạc, ngập cao và gây hư hỏng nặng. Chị Tình sống một mình nên còn nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Chị Liêu Thị Huyền Trang, Chị Hoàng Thị Liễu và chị Triệu Thị Vì Thương: gia đình thuộc hộ nghèo/cận nghèo, đông con, đồ đạc, của cải trong nhà đã bị cuốn trôi và hư hỏng nặng.
Lũ về cuốn trôi đi hết nhà cửa, hoa màu của những hộ dân ngày ngày tích góp. Nước ngập bủa vây cả một vùng trong suốt nhiều ngày liền. Nhiều nhà mất điện, nhiều nơi nước dâng cao đến tận nóc nhà. Lũ qua đi không những để lại thiệt hại về của cải, vật chất, mà còn gây nên những tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân tại các tỉnh phía Bắc, khi số ca bị nhiễm khuẩn nặng lần lượt tăng lên tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do trận thiên tai lịch sử tháng 09 vừa qua gây ra.
Chia sẻ với Đoàn, chị Nguyễn Lệ Hằng (Thành phố Thái Nguyên) cho biết, nhà chị thuộc hộ cận nghèo. Trong trận lũ vừa qua, không những bản thân chị phải chống chọi với sức tàn phá của thiên tại, mà con trai chị cũng ra sức tham gia cứu hộ các nạn nhân trong mùa lũ khiến chân bị kính cứa vào, đứt gân chân, gây nhiễm trùng và có nguy cơ hoại tử, hiện đang phải điều trị tích cực với chi phí rất cao.
Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi được chứng kiến và lắng nghe những chia sẻ của nhiều mảnh đời bất hạnh, điển hình như:
– Gia đình cô Phạm Thị Liễu (Thành phố Thái Nguyên): Là hộ đơn thân. Cô Liễu có 2 con trai và con dâu đã qua đời. Bản thân đã quá tuổi lao động nhưng hiện tại phải nuôi 2 cháu đang học lớp 7 và lớp 11. Nhà bị ngập sâu, tài sản trong nhà đều bị hư hỏng nặng.
– Bà Đồng Thị Hoa (Thành phố Thái Nguyên): Bà Hoa là hộ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà tham gia thanh niên xung phong nhưng không được hưởng chế độ, chồng là nạn nhân chất độc da cam (đã chết năm 2023), hiện bà sống một mình. Trong mưa lũ, nhà cửa bị ngập sâu, tài sản trong nhà bị cuốn trôi và hư hỏng hoàn toàn, hiện tại nhà không còn tài sản gì, sức khỏe già yếu, không có nguồn thu nhập, phải sống vào sự hỗ trợ của anh em họ hàng.
– Em Nguyễn Thị Bích Hồng (sinh năm 2009, Thành phố Thái Nguyên): Bích Hồng là trẻ mồ côi và thuộc hộ nghèo hiện đang học lớp 10. Trước đây cháu Hồng ở cùng bà nhưng bà vừa mất. Vừa qua cơn bão số 3 gây lũ lụt ở tổ dân phố, cháu Hồng đã giúp bà con gửi xe máy và xe đạp điện ở trong nhà, do sạc xe gây chập điện xe nổ cháy hỏng trần nhà, gây hư hỏng nặng.
– Chị Dương Thị Hoà (Thành phố Thái Nguyên): Gia đình chị Hòa thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, có 4 nhân khẩu. Bản thân chị Hòa bị tàn tật ở chân, đi lại rất khó khăn, chồng chị bị bệnh thần kinh, không vận động và lao động được, có 2 con lớp 11 và lớp 6. Thu nhập của gia đình là làm nông nghiệp và làm thuê mướn, thu nhập bấp bênh, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác; sau cơn bão số 3, toàn bộ ruộng vườn của gia đình bị thiệt hại, mất trắng.
Đồng cảm sâu sắc với những mất mát của đồng bào, mong rằng với sự động viên, quan tâm và san sẻ của các mạnh thường quân sẽ phần nào giúp các gia đình có thêm động lực để vượt qua khó khăn và khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Hi vọng rằng những món quà và tấm lòng của Ban lãnh đạo cùng anh chị em nhân viên công ty Minh Tâm sẽ góp phần giúp xoa dịu những nỗi khó khăn, nhọc nhằn của đồng bào tỉnh Thái Nguyên. Bão lũ đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó khi còn rất nhiều người dân bị nhiễm khuẩn, hiện đang phải điều trị cấp cứu tại các cơ sở y tế. Mong rằng sẽ có thêm nhiều cánh tay nối dài, thêm nhiều Mạnh Thường Quân để hỗ trợ bà con điều trị bệnh, khắc phục việc sản xuất và sớm trở lại với cuộc sống bình an nơi làng quê.