Chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó trên 3 triệu người là nạn nhân. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn rất nặng nề và lâu dài. Hiện nay trên đất nước ta còn hàng triệu nạn nhân và người bị phơi nhiễm chất độc da cam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Mặc dù được Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành quan tâm nhưng cuộc sống của nhiều nận nhân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần.
Phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, nhóm từ thiện Nối vòng tay lớn thuộc công ty TNHH Thiết bị Minh Tâm đã phối hợp với Trung ương hội NNCĐ Da cam/Dioxin Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Hà Nam tiến hành khảo sát và hỗ trợ 4 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Nam, với tổng số tiền 40,000,000 VNĐ. Số tiền này theo nguyện vọng của các gia đình sẽ được sử dụng để xây sửa khu vực công trình phụ, giúp các nạn nhân dễ dàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi mùa đông giá rét sắp đến.
Chủ nhật, ngày 22/9, Hà Nam đón đoàn thiện nguyện bằng cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường ngập nước khiến việc di chuyển đến từng hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi lội bộ trên những đoạn đường quanh co, ngoằn ngoèo, có những đoạn nước ngập tới bắp chân, bùn đất đặc quánh, xung quanh la liệt là những gốc cây bật rễ, một số đồ dùng gia đình như xô chậu bị mưa lũ cuốn còn mắc kẹt lại… Hậu quả của cơn bão Yagi vẫn còn để lại những dấu ấn thật nặng nề, đặc biệt là tại nơi ở của những gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Không có sức của, lại chẳng có sức người, ngôi nhà bữa trước mưa bão nước ngập tới nửa khung cửa ra vào, nay nước vẫn còn xâm xấp đầu hè. Trong nhà, những nạn nhân dị tật, bệnh nặng, không tự chủ được sinh hoạt cá nhân, chỉ có thể nằm tại chỗ nở những nụ cười ngô nghê và ú ớ không rõ lời, những mái đầu bạc ngoài 80 tuổi vẫn phải còng lưng xúc cơm, lau mặt… Phải đến tận nơi mới có thể thấy sức tàn phá của chiến tranh và chất độc màu da cam còn quá sức nặng nề trên những thế hệ cựu chiến binh.
Gia đình bà Trương Thị Nho, sinh năm 1942, trú tại tổ 7 phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ lý, chồng bà là ông Nguyễn Bá Uẩn chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam và Tây Nguyên, nơi ông mắc di chứng da cam, hiện đã mất. Ông bà có 3 cô con gái đều bị dị tật, đầu óc không bình thường, không tự chủ được trong sinh hoạt hàng ngày. Một mình bà phải chăm sóc, cơm nước, vệ sinh cá nhân cho cả 3 người. Trong căn nhà cấp 4 chật chội chỉ có 2 cái giường nhỏ, 3 người bệnh hết nằm lại ngồi nhìn thẫn thờ vào không khí, nhưng đến đêm lại không ngủ, ú ớ tranh giành nhau như những đứa trẻ lên 3. Nhận được món quà sẻ chia của đoàn thiện nguyện Nối vòng tay lớn, bà Nho xúc động cho biết sẽ cố gắng cơi nới thêm 1 căn phòng nhỏ để 3 người con gái được ở tách biệt, tránh cảnh giằng co, đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán.
Gia đình ông Phạm Văn Phúc, sinh năm 1940, trú tại thôn Cầu Đọ, phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý. Ông Phúc chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị và bị phơi nhiễm chất độc da cam, mắc bệnh Ung thư. Ông sinh được 3 người con trai đều mang di chứng da cam, khuyết tật não và mắc ung thư vòm họng, ung thư đại tràng… Ba người con đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn như những đứa trẻ ngây ngô, ông bà hàng ngày vẫn phải lau mặt, xúc cơm cho ăn, dỗ dành uống thuốc. Căn nhà tình nghĩa do hội Nữ doanh nhân tỉnh giúp xây dựng năm 2018 nay cũng đã xuống cấp nhiều, ông Phúc dự định số tiền hỗ trợ của công ty Minh Tâm sẽ được chi dùng vào việc sửa sang lại khu vệ sinh khép kín để đảm bảo sinh hoạt cho nhà 5 người lớn.
Gia đình nạn nhân Phạm Văn Nghiệp (sinh năm 1988) trú tại thôn Tri Xuyên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm lại có hoàn cảnh đặc biệt khi nạn nhân có 2 con nhỏ. Cha của anh Nghiệp là ông Phạm Văn Thanh tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị và Lào, hiện ông đang bị ung thư giai đoạn cuối. Anh Nghiệp bị bệnh nặng, liệt chi, chỉ có thể nằm một chỗ, vợ bị thần kinh nặng, mất sức lao động. Anh chị có 2 con nhỏ, 1 trai, 1 gái đang còn đi học. Gia đình không ai có sức lao động, sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và bà con lối xóm. Căn nhà cũ kĩ, không có khu vực vệ sinh khép kín khiến cho việc sinh hoạt hàng ngày của gia đình anh Nghiệp càng thêm chồng chất khó khăn. Số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ từ nhóm từ thiện Nối vòng tay lớnm hi vọng có thể san sẻ nỗi lo của gia đình anh, giúp gia đình sửa sang khu vực công trình phụ, để những ngày mưa giá rét sắp tới bớt đi phần nào nỗi khó khăn.
Hộ gia đình cuối cùng mà đoàn ghé thăm là nhà bà Bùi Thị Lưu, trú tại thôn 3, xã Ngọc Lũ, huyện Lục Bình. Chồng bà Lưu tham gia chiến đấu tại mặt trận A Sầu, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) từ 1965 đến 1968, hiện đã mất. Vợ chồng bà Lưu có hai người con đều bị dị dạng, dị tật, rất khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Gia đình thiếu ăn quanh năm, nhà ở xuống cấp. Bà Lưu hiện đã 77 tuổi, vẫn ngày ngày chăm bẵm hai người con tật nguyền. Nhận được số tiền hỗ trợ của đoàn thiện nguyện, bà Lưu không cầm được nước mắt xúc động vì sự sẻ chia ấm áp tình người. Số tiền không lớn những nghĩa tình, hi vọng sẽ giúp gia đình bà Lưu vơi bớt đi phần nào nỗi đau thương và mất mát.
Chia tay 4 gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại tỉnh Hà Nam, đoàn từ thiện ra về mà trong lòng còn nhiều suy nghĩ ngổn ngang. Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn hiện diện trên hình hài hàng triệu đồng bào khắp mọi miền Tổ Quốc. Chỉ tính riêng tỉnh Hà Nam đã có hơn 4000 hộ gia đình có nạn nhân da cam. Sự mất mát, thiệt thòi, đau đớn vẫn còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Hi vọng sẽ có thêm nhiều Mạnh Thường Quân, những tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức xoa dịu phần nào nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh.